Tại sao cứ đến ngày 8-3 hàng
năm, phụ nữ trên toàn thế giới lại được cả nhân loại tôn vinh. Cùng tìm hiểu về
nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ để hiểu hơn về một nửa của thế
giới nhé.
Lịch
sử ra đời ngày Quốc tế Phụ nữ
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3
bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.
Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản
phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Nền kỹ nghệ phát triển, thu hút nhiều
phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Bọn chủ tư bản lợi
dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ
và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899,
tại hai thành phố Chicago
và New-York (của nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân
ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt
bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn
chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ
lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã
tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền
bình đẳng cho phụ nữ. Tại New-York đã có 3000 chị dự cuộc họp phản đối chính
phủ công nhận quyền
bầu cử của phụ nữ.
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó
của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào
đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh
lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua(người
Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) vận động
thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và
chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910,
đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở
Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết
định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền
lợi của phụ nữ và trẻ em.
Ngày làm việc 8 giờ. Công việc ngang nhau, tiền lương
ngang nhau. Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó đến nay, ngày 8/3 trở thành ngày hội của phụ nữ thế
giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và
cũng từ đó, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và
hình thức phong phú.
Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3
không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới "phát triển",
"Giới". Vấn
đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một
các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế
giới. Từ thập niên 70 đến nay, đã có 4 hội nghị thế giới về phụ nữ:
- Hội nghị lần thứ
nhất tổ chức tại Mexico
năm 1975, mở đầu thập kỷ phụ nữ.
- Hội nghị lần thứ hai
tổ chức tại Côpenhagen (Ðan Mạch) năm 1980.
- Hội nghị lần thứ ba
tổ chức tại Nairobi (Kenya) năm 1985. Tại hội nghị này"Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được thông qua.
- Hội nghị lần thứ tư
tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995.
Các hội nghị thế giới về phụ nữ do Liên hiệp quốc đứng ra
tổ chức là những sự kiện Quốc tế to lớn đối với đời sống chính trị của toàn thế
giới đặc biệt đối với phụ nữ. Vì lẽ đó, vấn đề giải phóng phụ nữ, vì sự tiến bộ
của phụ nữ là một vấn đề toàn cầu.
Mục đích của Hội nghị Bắc Kinh là
nhằm kiểm lại việc thực hiện "Chiến lược nhìn về phía trước vì sự tiến bộ của phụ nữ" đã được đề ra tại hội nghị Nairobi và
công ước liên hiệp quốc "Xóa bỏ mọi hình thức phân
biệt đối xử với phụ nữ"(Công ước CEDAW) đồng thời thông qua "Cương lĩnh hành động vì
sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến năm 2000".
"Tuyên bố Bắc Kinh" và "Cương lĩnh hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ toàn cầu đến
năm 2000" là hai
văn kiện quan trọng nhất của hội nghị Bắc Kinh. Hai văn kiện này một mặt phác
họa những trở ngại trên con đường phấn đấu cho sự bình đẳng của nữ giới bên
cạnh nam giới; Mặt khác khẳng định những cam kết và sự quyết tâm của các chính
phủ, các tổ chức quốc tế bằng mọi biện pháp nhằm tới mục tiêu Bình đẳng-Phát
triển-Hòa bình vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Việt Nam
Thực hiện cam kết đó, ngày 4
tháng 10 năm 1997, chính phủ nước ta đã có quyết định số 822/TTG về việc phê
duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục
tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành
động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng,
phát triển và hòa bình" của
hội nghị Bắc Kinh.
Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày
kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng
dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền
dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ
truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và
nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người
yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi
nghĩa.
Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai
Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc
tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước.
Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà
Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy
niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh –
tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai
Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do
chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm. Hai
Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc.
Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà trưng được đánh giá
là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc.
Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam
trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống
hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ
vàng "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang"
và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng nhất.
Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ
chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và
nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền
lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá: "Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới".
Việt Nam
có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%.
Tại Việt Nam,
để thể hiện sự tôn vinh những người phụ nữ, một nửa thế giới, người ta thường
tổ chức rất trang trọng, tràn ngập hoa và những lời chúc tốt đẹp. Ngày 8/3 cũng
là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu
quý.
Ý nghĩa ngày quốc tế phụ nữ
Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ có riêng một ngày để
được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống. Họ
luôn âm thầm hy sinh và chịu đựng để xây dựng hạnh phúc gia đình. Vì vậy, họ
xứng đáng nhận được sự tôn trọng và quan tâm hơn nữa từ một nửa kia còn lại của
thế giới, chia sẻ với họ những khó khăn trong công việc và gia đình.
Không ai có thể phủ nhận vai trò
và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ,
vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của
đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ,
mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày
nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ
không còn là phái yếu như trước kia.